Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012






HIỂU ĐỜI – TÂM SỰ TUỔI GIÀ

Tác giả: Chu Dung Cơ – Thanh Dũng dịch



Tháng ngày hối hả, đời người ngắn ngủi, thoáng chốc đã già. Chẳng dám nói hiểu hết mọi lẽ nhân sinh, nhưng chỉ có hiểu cuộc đời thì mới sống thanh thản, sống thoải mái.
Qua một ngày, mất một ngày .Qua một ngày, vui một ngày. Vui một ngày lãi một ngày...
Hanh phúc do mình tạo ra. Vui sướng là mục tiêu cuối cùng của đời người, niềm vui ẩn chứa trong những sự việc vụn vặt nhất trong đời sống, mình phải tự tìm lấy. Hạnh phúc và vui sướng là cảm giác và cảm nhận, điều quan trọng là ở tâm trạng.
Tiền không phải là tất cả nhưng không phải không là gì. Đừng có coi trọng đồng tiền, càng không nên quá so đo, nếu hiểu ra thì sẽ thấy nó là thứ ngoại thân, khi ra đời chẳng ai mang nó đến, khi chết chẳng ai mang nó theo. Nếu có người cần bạn giúp, rộng lòng mở hầu bao, đó là một niềm vui lớn. Nếu dùng tiền mua được sức khoẻ và niềm vui thì tại sao không bỏ tiền ra mà mua? Nếu dùng tiền mà mua được sự an nhàn tự tại thì đáng lắm chứ! Người khôn biết kiếm tiền, biết tiêu tiền. Làm chủ đồng tiền, đùng làm tôi tớ cho nó.

"Quãng đời còn lại càng ngắn ngủi thì càng phải làm cho nó phong phú". Người già phải thay đổi cũ kỹ đi, hãy chia tay với "ông sư khổ hạnh" hãy làm "con chim bay lượn". Cần ăn thì ăn, cần mặc thì mặc, cần chơi thì chơi, luôn luôn nâng cao phẩm chất cuộc sống, hưởng thụ những thành quả công nghệ cao, đó mới là ý nghĩa sống của TUỔI GIÀ.

Tiền bạc rồi sẽ là của con, địa vị là tạm thời, vẻ vang là quá khứ, sức khoẻ là của mình.
Cha mẹ yêu con là vô hạn; con yêu cha mẹ là có hạn. Con ốm cha mẹ buồn lo; cha mẹ ốm con nhòm một cái, hỏi vài câu là thấy đủ rồi. Con tiêu tiền của cha mẹ thoải mái; cha mẹ tiêu tiền của con chẳng dễ chút nào. Nhà cha mẹ là nhà của con; nhà của con không phải là nhà cha mẹ. Khác nhau là thế, người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong báo đáp. Chờ báo đáp là tự làm khổ mình.
Ốm đau trông cậy vào ai ? Trông cậy con ư ? Nếu ốm dai dẳng có đứa con có hiếu nào ở bên giường đâu "cứu bệnh sàng tiền vô hiếu tử". Trông vào bạn đời ư ? Người ta cũng yếu, có khi lo cho bản thân còn chưa xong, có muốn đỡ đần cũng không làm nổi. Trông cậy vào đồng tiền ư ? chỉ còn cách đấy.
Cái được người ta chẳng hay để ý; cái không được thì nghĩ nó to lắm, nó đẹp lắm. Thực ra sự sung sướng và hạnh phúc trong đời tuỳ thuộc vào sự thưởng thức nó ra sao. Người ta hiểu đời rất quý trọng và biết thưởng thức những gì cho mình đã có, và không ngừng phát hiện thêm ý nghĩa của nó, làm cho cuộc sống vui hơn, giàu ý nghĩa hơn.
Cần có tấm lòng rộng mở, yêu cuộc sống và thưởng thức cuộc sống, trông lên chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình "Tỷ thượng bất túc, tỷ hạ hữu dư", biết đủ thì lúc nào cũng vui "tri túc thường lạc".
Tập cho mình nhiều đam mê, vui với chúng không biết mệt mỏi, tự tìm niềm vui. Tốt bụng với mọi người, vui vì làm việc thiện, lấy việc giúp người làm niềm vui.
Con người ta vốn chẳng phân biệt giàu nghèo sang hèn, tận tâm vì công việc là coi như cống hiến, có thể yên lòng, không hổ thẹn với lương tâm là được. Huống hồ người ta cũng nghĩ cả rồi, ai cũng thế cả, cuối cùng là trở về với tự nhiên. Thực ra nghề cao chẳng bằng tuổi thọ cao, tuổi thọ cao chẳng bằng niềm vui thanh cao.
Quá nửa đời dành khá nhiều cho sự nghiệp, cho gia đình, cho con cái, bây giờ thời gian còn lại chẳng bao nhiêu nên dành cho mình, quan tâm bản thân, sống thế nào cho vui thì sống, việc gì muốn làm thì làm, ai nói sao mặc kệ vì mình đâu phải sống để người khác thích hay không thích, nên sống thật với mình.
Sống trên đời không thể vạn sự như ý, có khiếm khuyết là lẽ thường tình ở đời, nếu cứ chăm chăm cầu toàn thì sẽ bị cái cầu toàn làm khổ sở. Chẳng thà thản nhiên đối mặt với hiện thực, thế nào cũng xong.
Tuổi già tâm không già, thế là già mà không già; tuổi không già tâm già, thế là không già lại thành già. Nhưng giải quyết một vấn đề thì nên nghe già.
Sống phải năng hoạt động nhưng đừng quá mức, ăn uống quá thanh đạm thì khôhg đủ chất bổ, quá nhiều thịt cá thì không hấp thụ được. Quá nhàn rỗi thì buồn tẻ, quá ồn ào thì khó chịu... mọi thứ đều nên "VỪA PHẢI".
Người ngu gây bệnh (hút thuốc, say rượu, tham ăn, tham
uống...) Người dốt chờ bệnh (ốm đau mới đi khám chữa bệnh...) . Người khôn phòng bệnh, chăm sóc bản thân, chăm sóc cuộc sống. Khát mới uống, đói mới ăn, mệt mới nghỉ, thèm ngủ mới ngủ, ốm mới chữa bệnh....ĐỀU LÀ MUỘN.
Phẩm chất sống người già cao hay thấp chủ yếu tuỳ thuộc vào cách suy tưởng : Suy tưởng hướng lợi là bất cứ việc gì đều xét theo yếu tố có lợi, dùng suy tưởng hướng lợi để xây dựng cuộc sống tuổi già sẽ làm cho tuổi già đầy sức sống và tự tin, cuộc sống có hương, có vị. Suy tưởng hướng hại là suy tưởng tiêu cực, sống qua ngày với tâm lý bi quan, sống như vậy sẽ chóng già chóng chết
"Chơi " là một trong những nhu cầu căn bản của tuổi già, hãy dùng trái tim con trẻ để tìm cho mình một trò chơi yêu thích nhất, trong khi chơi hãy thử nghiệm niềm vui chiến thắng, thua không cay, chơi là đùa. Về tâm lý và sinh lý, người già cũng cần kích thích và hưng phấn để tạo ra một tuần hoàn lành mạnh.
"Hoàn toàn khoẻ mạnh" đó là nói thân thể khoẻ mạnh, tâm lý khoẻ mạnh và đạo đức khoẻ mạnh.. Tâm lý khoẻ mạnh là biết chịu đựng, biết tự chủ, biết giao tiếp; Đạo đức khoẻ mạnh là có tình yêu thương, sẵn lòng giúp người, có lòng khoan dung, người chăm làm điều thiện sẽ sống lâu...
Con người là con người xã hội, không thể sống biệt lập, bưng tai bịt mắt, nên chủ động tham gia hoạt động công ích, hoàn thiện bản thân trong xã hội, thể hiện giá trị của mình đó là cách sống lành mạnh.

"Cuộc sống tuổi già nên có nhiều bạn gìà trong nhiều thành phần,nhiều mẫu người với nhiều màu sắc khác nhau trong xã hội. Có một hai bạn tốt thì chưa đủ, nên có cả một nhóm bạn già, tình đẹp làm thêm cuộc sống tuổi già, làm cho cuộc sống của bạn nhiều hương vị, nhiều màu sắc.
Con người ta chịu đựng, hoà giải và xua tan nỗi đau đều chỉ có thể dựa vào chính mình. Thời gian là vị thầy thuốc giỏi nhất, quan trọng là khi đau buồn bạn chọn cách sống như thế nào.
Tại sao khi về già người ta hay hoài cổ "hay nhớ lại chuyện xưa?" Đến những năm cuối đời, người ta đã đi đến cuối con đường sự nghiệp, vinh quang xưa kia đã trở thành mây khói xa vời, đã đứng ở sân ga cuối. Tâm linh cần trong phòng, tinh thần cần thăng hoa, người ta muốn tìm lại những tình cảm chân thành. Về lại chốn xưa, gặp lại người thân, cùng nhắc lại những ước mơ thủa nhỏ, cùng bạn sống. Quý trọng và được đắm mình trong những tình cảm chân thanh là một niềm vui lớn của tuổi già.
Nếu bạn đã cố hết sức, mà vẫn không thay đổi tình trạng không hài lòng thì mặc kệ nó. Đó cũng là một sự giải thoát. Chẳng việc gì cố mà được, quả ngắt vội không bao giờ ngọt.
"SINH - LÃO - BỆNH - TỬ" là quy luật ở đời, không chống lại được. Khi thần chết gọi thì thanh thản mà đi. Cốt sao sống ngay thẳng không hổ thẹn với lương tâm và cuối cùng đặt cho mình dấu chấm hết thật TRÒN.
__,_._,__




Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

KHÔNG CÓ TỪ TÂM

Một người phụ nữ ở Trung Quốc đã cấp dưỡng một vị sư hơn 20 năm. Bà đã làm một chòi nhỏ cho sư và lo việc ăn uống khi sư thiền định. Cuối cùng bà thắc mắc là không biết vị sư đã tiến bộ được gì trong suốt bao nhiêu năm.
 tìm câu trả lời, bà nhờ một cô gái đầy ham muốn giúp một tay. “Vào ôm ông,” bà bảo cô gái, “rồi hỏi đột ngột: ‘Làm gì bây giờ?’

Cô gái vào gặp sư và, chẳng nề hà gì, đến vuốt ve sư, hỏi sư phải làm thế nào về việc đó.

Một cây mọc trên tảng đá trong mùa đông,” vị sư trả lời đầy thi vị. “Chẳng nơi đâu có hơi ấm.”


Cô gái trở về và báo cáo lại điều sư nói. “Nghĩ đến việc tôi nuôi ông này cả 20 năm!” bà than một cách giận dữ. “Ông ta chẳng tỏ vẻ gì quan tâm đến nhu cầu của cô, chẳng hề muốn giải thích tình trạng của cô. Ông ta không cần phải đáp lại ham muốn, nhưng ít ra ông ta cũng phải tỏ lộ được một chút từ tâm.”

Bà liền đi ngay đến chòi của vị sư và đốt nó.

Bình:  “Một cây mọc trên tảng đá trong mùa đông,” vị sư trả lời đầy thi vị. “Chẳng nơi đâu có hơi ấm.” Ý nhà sư nói: Tôi như là một cây mọc trên đá trong mùa đông, rất lạnh lùng, chẳng có hơi ấm nào nơi tôi, chẳng có xúc cảm nào nơi tôi, cô đừng mất công vô ích. Đây là thái độ mà ta gọi là con tim chai đá chẳng còn một tí cảm xúc nào hết. Và đây là lầm lỗi rất nhiều người có về Thiền, kể cả một số “thiền sư”. Tức là họ tập “Thiền” để chỉ làm cho con tim không còn bị xúc động bởi tất cả mọi điều trên đời. Nhưng nếu thế thì tâm từ bi của Bồ tát làm sao mà có được?

Bồ tát có tâm từ bi, cảm xúc được từng nỗi đau rất nhỏ của con người. Vì vậy mà Bồ tát luôn luôn hộ trì, độ người qua khổ nạn. Tâm Thiền là tâm cực kỳ nhạy cảm, nhạy cảm với những nỗi đau nỗi khổ dù là rất nhỏ của sinh linh. Ở đây ta có một cô gái muốn một nhà sư (dù là bên ngoài). Trong bài có nói đây là một cô gái “đầy ham muốn”. Đó là một cái khổ. Thích một nhà sư là một điều rất khổ cho một cô gái. Nhà sư không thích cô gái theo kiểu nam nữ, nhưng ít ra phải cảm xúc được cái khổ của cô, để mà có một chút từ tâm. Biểu lộ từ tâm đó với cô ta bằng cách nào thì tùy theo trường hợp, nhưng có lẽ không phải là cách kiêu kỳ, chẳng nói một lời về cô ta, mà chỉ tự ví mình là cây mọc trên tảng đá giữa mùa đông. Một lối trả lời rất nhắm vào “cái tôi” thay vì lo lắng cho người kia.
Ở đây ta thấy sự liên hệ giữa tâm chai đá và cái tôi (ngã mạn). Người có tâm chai đá chỉ quan tâm đến họ và chẳng quan tâm đến ai khác. Bồ tát không quan tâm đến mình, mà quan tâm đến người khác. Đó là Thiền thật sự. Người ta thường nhầm lẫn tâm tĩnh lặng của Thiền và tâm chai đá. Tâm tĩnh lặng là mặt nước hồ thu tĩnh lặng, không phải là một tảng đá chết lặng. Một viên sỏi rất nhỏ cũng làm mặt hồ gợn sóng. Tâm tĩnh lặng rất nhậy cảm với mọi cảm xúc ở đời, nhậy cảm hơn tâm trung bình rất nhiều. Nhưng Tâm tĩnh lặng có thể tự kiểm soát mình rất tốt, cho nên dùng các xúc cảm đó để làm điều thiện, làm thăng hoa cuộc đời.



Mặt khác, chạy ồ ạt theo xúc cảm buồn vui giận ghét của mình không phải là nhạy cảm, mà là không chỉ huy được cảm xúc và là nô lệ cho cảm xúc. Bà lão nổi giận vì tốn công nuôi ông sư này 20 năm mà ông ta chẳng hiểu gì về Thiền, về tĩnh lặng, và từ tâm cả. Sự nổi giận của bà lão và con số 20 năm là để nhấn mạnh điều là có rất nhiều vị sư bị lạc về điểm này cả đời họ.
(Trần Đình Hoành dịch và bình)Thu gọn bài đăng này

Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

Đến một lúc

Đến một lúc, chúng ta bỗng thông hiểu tất cả mọi quy luật của đất trời rằng không có gì là trường tồn bất biến, ngược lại chính nhờ sự biến đổi ấy mà chúng ta có những điều mới mẻ tinh khôi.

Đến một lúc, mọi giông tố mịt mùng không che nổi sự bừng sáng của con tim và mọi khổ đau buồn tủi không đánh gục được niềm lạc quan tiềm ẩn trong một tinh thần.

Chúng ta sống quá lâu trong thành kiến và định kiến hẹp hòi cùng với lòng kiêu ngạo chen chân trong một ngôi nhà bản ngã; đến một lúc, chúng ta cần phải bước ra khỏi cửa để  ngắm nhìn toàn bộ sự mênh mông và bát ngát của đất trời.

Đến một lúc, chúng ta cảm nhận được niềm vui khi tấm lòng rộng mở và trái tim thắp sáng lên niềm tin yêu cuộc sống.

Đến một lúc, chúng ta nhìn lại và cười nhạo vào những trò hề do chính mình tạo ra và chúng ta trở nên lặng lẽ để thấy rõ sự cần thiết của tĩnh tại tâm hồn.

Chúng ta chợt nhận thấy quy luật sâu xa của cuộc sống hạnh phúc không chỉ là đón nhận mà còn phải là sự cho đi.

Đến một lúc, cảm thấy ngập tràn hạnh phúc không phải vì chúng ta vớt lên được cái gì đó từ dòng nước mà chính là quăng bỏ bớt cho dòng nước cuốn trôi.

Đến một lúc, chúng ta hiểu được sự thật của niềm vui không phải là ở đỉnh vinh quang hay ngọn núi ngập hoa vàng mà chính là từng bước chân thảnh thơi và được ngắm hoa cỏ dại trên đường.



Chúng ta chợt nhận ra rằng hạnh phúc không phải ở đâu xa mà chính là sự mãn nguyện trong từng phút giây hiện tại.

Khi đã trải qua bao nhiêu buồn vui thương ghét, bao hi vọng chán chường, bao thành công thất bại, đến một lúc chúng ta chợt nhận thấy rằng tất cả mọi sự đời đến và đi, có rồi không dường như chỉ là một tuồng ảo hóa.

Chúng ta cảm thấy mọi lý luận, ngôn từ đều thừa thãi, thay vào đó chỉ cần một nụ cười, một ánh mắt hoặc một tình thương nồng ấm dẫu chỉ là của người khách qua đường cũng đủ làm cho ta ấm lòng và tươi vui hơn trong cuộc sống.

Đến một lúc, chúng ta thấy tuổi trẻ của mình chỉ toàn là ước mơ cùng với nỗ lực vào tương lai hun hút, và đến lúc già đi thì luôn hồi ức tiếc thương một dĩ vãng  xa rồi. Trong đời người ngắn ngủi chúng ta đã lỡ đi bao sự sống nhiệm mầu trong thực tại giản đơn.

Đến một lúc, chúng ta hiểu ra rằng duy chỉ có tình thương, chứ không phải có bất cứ thứ gì khác giúp con người thiết lập được trật tự mới và hòa bình cho nhân loại.

Mọi dòng sông đều chảy ra biển cả, mọi con đường chân lý đều hướng về nẻo đạo vô biên và mọi yêu thương chung cuộc đều đạt đến chân phúc.

Đến một lúc, chúng ta cần phải dọn đất trồng hoa trên mảnh vườn của mình còn hơn mỏi mòn chờ đợi ai đó mang hương sắc đến dâng cho.

Tất cả mọi hành động của ta chỉ là những đợt sóng lăn tăn trên mặt biển.

Đến một lúc, chúng ta cảm thấy những việc làm thường nhật phải là niềm vui cho sự sống hàng ngày chứ không phải là sự bắt buộc hay là một tập quán khô khan, máy móc của đời mình.

Hiểu ra rằng ích kỷ thường khiến mình nhìn thấy lỗi lầm, xấu xa của người khác hơn là chính bản thân. Chúng ta thường che đậy và bảo vệ mình khỏi tổn thương nhưng vô tình điều ấy là tự ôm chất độc và giết chết bản thân.

Đến một lúc, chúng ta cảm thấy sự tha thứ, bao dung là món quà tặng vô giá và cần thiết mà con người có thể trao tặng cho nhau không bao giờ cạn.

Khi chúng ta thấy mình tham vọng quá lớn trong khi đời người thật ngắn ngủi, đó là lúc mình hiểu ra hành trang cho lộ trình vạn dặm không phải là những gì có thể nắm  bên ngoài mà đó là tâm linh bất diệt bên trong.

Đến một lúc, chúng ta hiểu con đường tâm linh thì tuyệt đối đơn độc, không ai có thể đi theo dẫu đó là người thân yêu nhất.



Chúng ta cảm nhận những khoảnh khắc tĩnh lặng nhỏ bé của tâm hồn còn quý giá hơn cả những tài sản được cất chứa chung quanh là lúc chúng ta định được giá trị chân thật của một kiếp người.

Chúng ta hiểu rằng cần thánh hóa đời sống hơn là chạy đi tìm thiên đường ở chốn xa xăm. Đến một lúc, chúng ta cảm thấy không sợ hãi địa ngục hoặc một thế lực tối cao, nhưng bằng trí tuệ tuyệt vời, chúng ta thấy rằng vạn pháp vốn là không và số phận tùy thuộc vào khả năng giác ngộ của chính mình.

Chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản trước những mất mát, đau thương vì lòng nước thanh lương có thể cuốn trôi đi bao hệ lụy và có thể đưa chúng ta bến bờ rạng rỡ của ngày mai..
--
Sưu tầm internet
Bất Định Ca

Ngã một lần đi em
Cho vai gầy trút gánh
Thôi một lần lo lắng
Cho kiếp người nhẹ tênh
Buông một đời lênh đênh
Nổi trôi cùng ký ức
Trăng già mừng sinh nhựt
Một tuổi hay ngàn năm?
Rơi một lần xa xăm
Vào tĩnh lặng tâm hồn
Em sẽ thấy đời không
Như hình hài của nó
Chết một lần cho rõ
Định nghĩa sống chỗ nào
Cần một giấc chiêm bao
Em tôi cười quên khổ
Sáng ra nhìn thật ngộ
Hạt nắng hôn tóc mềm
Trăng gầy thức suốt đêm
Chờ mặt trời nhóm lửa
Thổi cuộc đời vào gió
Hương mang những nỗi niềm
Khổ đau nào thụy miên
Bay khắp miền như thị
                   Mạc Huyễn Nhân

Đêm rằm dạo khúc Chân Như
Trăng thu ngày đó bây chừ khác không?
Năm mươi là cõi tang bồng
Còn bao nhiêu nữa giữa dòng nhân sinh
Khổ đau gánh chịu mấy lần
Buồn thương gặm nhấm những lần đi qua
Còn Chân Như những thiết tha
Còn Chân Như giữa bôn ba khóc cười
Cái qua đi đã qua rồi
Ngồi ôm những bóng hình ôi xa mờ
Cái hiện tại và bây giờ
Chân Như dạ khúc phai mờ đau thương
Sống thật sống giữa hý trường
Ngồi xem thế sự vạn đường khổ đau
Sống thật sống giữa ba đào
Buồn vui nhìn ngắm trăng vào Chân Như
Sống thật sống như trăng thu
Thái hư không hé nụ cười ngàn năm

                                (Hương Lúa mừng sinh nhật chị Hai Chân Như)
CHÙM THƠ PHẠM HẦU
Vọng Hải đài
Chẳng biết trong lòng ghi những ai?
Thềm son từng bước gót vân hài.
Hỡi ôi! Người chỉ là du khách
Giây phút dừng chân Vọng Hải đài.


Cơn gió nào lên có một chiều
Ai ngờ thổi tạt mối tình kiêu
Tháng ngày đi rước tương tư lại
Làm rã chân thành sắp sửa xiêu


Trống trải trên đài du khách qua
Mây ngày vơ vẩn, gió đêm tà,
Muôn đời e hãy còn vương vấn
Một sắc không bờ trên biển xa


Lòng xiêu xiêu hồn nức hương mai,
Rạng đông về thức giấc hoa nhài.
Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận
Chẳng biết xa lòng có những ai?



VỌNG LÂU
 
Mắt theo lầu vọng buồn bên trúc
Trúc rủ buồn trên mái vọng lâu.
Tuổi tôi, màu lá: Ai sinh trước?
Hiu hắt đôi bên lúc đọ màu.

Lầu đứng bơ vơ lầu vắng vẻ,
Lầu mơ đàn địch tiếng lầu xưa.
Thẫn thờ lá trúc rưng rưng lệ,
Như mắt đa tình lúc tiễn đưa.

Quanh tôi là mộng hay bươm bướm?
Lầu dựng buồn cao ngập giấc mơ.
Quanh tôi là mộng hay mây sớm?
Lầu dựng buồn cao ngập ý thơ.

Tôi buồn cô độc, ôi lầu vọng!
Ai biết cho lòng như thế đâu
Buồn đưa hương lúa, buồn đưa võng.
Những cảm tình tôi tựa bóng lầu.

Xưa tiếng người bay rực rỡ lầu,
Ngày nay lầu quạnh ngắm biển dâu.
Tôi buồn rưng rức bên lầu vo.ng.
Ai dựng trong lòng cảnh vọng lâu
CHIỀU BUỒN

Tôi đã dám cầu xin hai giọt lệ
Trên mi nàng huyền bí vẻ say mê.
Cho điệu buồn man mác tự đâu về
Ddưa ngọn cỏ theo chiều mây lặng lẽ.

Cho tôi được nghiêng kề nàng thỏ thẻ
Vì lời yêu rên siết ẩn trong tôi
Chỉ khi buồn may mới thoáng qua thôi
Mà hương lệ đó là trang sổ quí.

Buồn len lỏi trên đầu cây thi vị
Gieo lệ vàng trên ngấn nắng chiều trôi;
Tôi kề nàng môi chạy kiếm làn môi,
Lời tôi lặn trên môi nàng rúng đô.ng.

Yêu đường đến tất cả chiều mơ mộng
Buồ n nhẹ nhàng trong làn gió thu không,
Buồn mơn man trên đầu tóc rối bòng
Và vơ vẩn bên đôi người vô tô.i.

Nàng và tôi, nhánh sầu chung rẻ cội,
Kề vai tôi khi lệ với chiều rơi,
Khi giọt vương âu yếm nhỏ lên người,
Nàng và tôi là hai giòng lệ nối.

LÝ TƯỞNG

Sầu hương hoa gạo đỏ bên chân.
Xa nắng chiều hoe nhạt mấy phần.
Một cột đèn cao mơ góa bu.a.
Đường dài toan nối hận gian truân.

Tôi theo tư tưởng vô cùng tận,
Chỉ gặp vô cùng nỗi quạnh hiu.
Sáng sớm: rạng đông, chiều: chạng vạng,
Những giờ mới lạ có bao nhiêu?
Thuở nhỏ đêm mơ nằm thấy bướm.
Giờ không mơ bướm lại mơ thơ.
ĐỜi tôi nếu rụng bao nhiêu sắc
Cũng bởi vì tôi quá mộng hờ.

- Ao ước ngày mai sắc nắng thơm
Chiều mai thôi ráng nhuộm cô đơn.
Chiề u qua gió thổi lời tôi nguyện,
Quên thổi giùm tôi hận chập chờn.
Tôi đợi người đây, Tuyệt Đích ơi!
Dẫu xa, xa cách mấy phương trời.
Biết rằng vô ích sao tôi vẫn
Phung phí đời tôi mấy độ tươi.

Dạ Nhạc

Đêm qua không ở nơi trần gian
Một chàng hào hoa như Tống Ngọc
Một nàng yểu điệu như Văn Quân
Nói chuyện ái ân, mượn tiếng đàn.

Nàng khóc bằng tay trên phím ngà
Những ngón tay dài như lệ sa
Một điệu đàn van lời tỉ mỉ
Sầu xuôi fòng bên tình phù sa.

Sắc người êm đềm câm như hoa
Duyên người thầm kín, duyên thướt tha
Nàng ôi! tay măng gầy xinh đẹp
Đẹp nhờ âm nhạc hay nhờ ma?

Chàng ngã hồn trong ánh mắt si
Của nàng khi nhạc riết mê ly
Chàng xin tay ngọc thôi ve vuốt
Đến phím sau cùng là biệt ly.

Càng thả ngày xanh trên sóng đàn
Vớt đôi tay đẹp gọi tình nhân.
Nàng yêu chàng có hồn như biển.
Đôi mắt thơ chàng như ải vân.
MÃI MÃI NGÀY XƯA

Gửi niềm đau vào dĩ vãng
Hay đem ký ức kéo về hôm nay
Mười ba năm hay một ngày
Mà tim quặn thắt còn đây chưa mờ

Mộ phần anh có bơ vơ
Như trên cuộc thế em chờ hư vô
Nữa thương nhớ chôn  xuống mồ
Nữa tình còn lại mơ hồ riêng tư

Anh giờ đã hóa thiên thu
Mà sao em mãi còn ru cuộc tình
Mười ba năm giữa cuộc sinh
Đôi bờ thương nhớ một mình lội qua

Ngày xưa đó cứ đi xa
Lê từng tít tắc lệ nhòa trăm năm
Còn nghe anh, mảnh tình xanh
Của ngày xưa đó ngọt lành hai mươi
Còn nghe anh, vạn kiếp người
Một lời chung thủy ngập trời yêu thương

           (Hương Lúa)
Viết tặng chị Hai Chân Như nhân ngày giỗ anh lần thứ 13
Nói với anh trong ngày giỗ

 Anh đi thủa tóc còn xanh
Đến nay nỗi nhớ hóa thành màu sương
Mười ba năm - những dặm trường
Một mình em nửa chiếc Giường mênh mang
Nén đau - nén nỗi bàng hoàng
Yêu anh em gạt hai hàng lệ rơi
Muốn nói nhiều lắm anh ơi
Mà em đành nuốt hết lời vào trong

Thay anh thực hiện ước mong
Nuôi con khôn lớn một lòng trung trinh
Nguyệt con đã có gia đình
Giờ em còn ở với mình thằng Long
Học hành cũng đã sắp xong
Chúng ngoan như thể anh mong khi còn

Núi kia còn có thể mòn
Yêu anh em giữ lòng son cõi này
Âm dương cách biệt có hay
Nén nhang em thắp tỏ bày cùng anh

Thơ Vũ Tuấn Anh (Người Lẩm Cẩm)
viết tặng chị Chân Như
nhân ngày giỗ lần thứ 13 của anh
Đâu miền thương nhớ

Vẽ Đà Nẵng như viết chuyện tình
Buồn thương man mác cõi ba sinh
Trên những con đường hoa phượng nở
Có dáng người xưa bước một mình

Kể Đà Nẵng như kể chuyện đời
Của người con gái tuổi đôi mươi
Có tình cuồn cuộn trào dâng sóng
Có cảnh mênh mang của kiếp người

Yêu Đà Nẵng như yêu một người
Khi hồn phiêu lảng biển chơi vơi
Khi thăng đến đỉnh phù vân cảnh
Khi xuyến xao nhìn cánh phượng rơi

Ôi Đà Nẵng là của chị tôi
Nhưng sao lòng vẫn cứ bồi hồi
Thương về xứ sở chưa lần đến
Hay vì Đà Nẵng hóa chị rồi?
                             Hương lúa
                   (tặng chị hai Chân Như)
ĐÀ NẴNG NGÀY VỀ
Em đã về rồi phải không em?
Mười năm tình cũ gió qua thềm
Hàng phi lao nhỏ giờ đã lớn
Thương nhớ bạc đầu sóng biển đêm
Em đã về rồi phải không em?
Tàn thu pha tuyết tóc pha kem
Chiều nay Đà Nẵng xưa đâu mất
Giữa Ngũ Hành Sơn bỗng nhớ thèm.
Em đã về rồi có phải không?
Mười năm thương nhớ ngập biển lòng
Moi vùng non nước nào xa lắc
Chạm đến xuân thiều cõi nhớ mong
Đường về ngập cát biển trùng xa
Biển vẫn nằm ôm đảo Sơn Trà
Đoàn tàu xa bến mười năm cũ
Có kịp trở về cập bến ta
Em đã về rồi có phải không?
Hùng quan đệ nhứt giữa thinh không
Vẫn tháng năm dài mây quyện trắng
Cuộn nước sông Hàn lệ nhớ mong.
 Hương Lúa viết tặng chị Hai Chân Như
QUÊ HƯƠNG - Thơ Tường Linh

Quê hương tôi bên ni đèo Ải
Nhấp nhô bóng thuyền cửa Đại
Già nua nếp phố Hội An
Ngũ Hành Sơn năm cụm ngắm sông Hàn
Chùa Non Nước trầm tư hương khói quyện
Đêm Đà Nẵng vọng buồn con sóng biển
Bún chợ Chùa, thương nước mắm Nam Ô
Tôi muốn về Trung Phước giữa mùa ngô
Thăm quê ngoại Đại Bình cam đỏ ối
Sáng Duy Xuyên, tơ vàng giăng nghẽn lối
Chiều Điện Bàn, xe đạp nước thay mưa
Sông Thu chẳng thiếu đò đưa
Ngọt khoai Tiên Đoã, mát dừa Kiến Tân
Quế Sơn núi liếp mấy vần
Thương lòn bon Đại Lộc, nhớ rượu cần Trà My
Trăm người đi, vạn người đi
Đưa chân tám hướng còn ghi vết đời
Thuỷ triều sông Cửu đầy vơi
Nước tìm biển cả, tình người tìm nhau
Hai miền thương, một nhịp cầu
Ga xưa còn nhớ con tàu viễn phương
THƠ PHÙNG QUÁN

Tôi mồ côi cha năm hai tuổi
Mẹ tôi thương con không lấy chồng
Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải
Nuôi tôi đến ngày lớn khôn,

Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ
Ngày ấy tôi mới lên năm
Có lần tôi nói dối mẹ
Hôm sau tưởng phải ăn đòn,
Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn
Ôm tôi hôn lên mái tóc
- Con ơi –
trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật.

- Mẹ ơi, chân thật là gì?
Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
- Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc cứ khóc.

Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét.
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu.

Từ đấy người lớn hỏi tôi:
- Bé ơi, bé yêu ai nhất?
Nhớ lời mẹ tôi trả lời:
- Bé yêu những người chân thật.

Người lớn nhìn tôi không tin
Cho tôi là con vẹt nhỏ
Nhưng không! Những lời dặn đó
In vào trí óc của tôi
Như trang giấy trắng tuyệt vời,
In lên vết son đỏ chói.

Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
Đứa bé mồ côi thành nhà văn
Nhưng lời mẹ dặn thủa lên năm
Vẫn nguyên vẹn màu son chói đó.

Người làm xiếc đi dây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.

Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét.
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu.

Tôi muốn làm nhà văn chân thật
Chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn trên đá.
------------------
Đưa em tìm động hoa vàng (Phạm Thiên Thư)
1
Mười con nhạn trắng về tha
Như Lai thường trụ trên tà áo xuân
Vai nghiêng nghiêng suối tơ huyền
Đôi gò đào nở trên miền tuyết thơm
2
Xe lên bụi quán hoa đường
Qua sương trắng dậm phố phường úa thu
Tiếng chim ướt sũng hai mùa
Hạt rơi thêm lạnh hững hờ mây qua
3
Dế buồn dỗ giấc mù sa
Âm nao lãng đãng tơ ngà sương bay
Người về sao nở trên tay
Với hài đẫm nguyệt thêm dài gót mơ
4
Con khuyên nó hót trên bờ
Em thay áo tím thờ ơ giang đầu
Tưởng xưa có kẻ trên lầu
Ngày xuân gieo nhẹ trái cầu gấm hoa
5
Tóc dài cuối nội mây xa
Vàng con bướm nhụy lẫn tà huy bay
Dùng dằng tay lại cầm tay
Trao nhau khăn lụa nhớ ngày sầu đưa
6
Từ chim thủa núi xa xưa
Về đây rớt lại hạt mơ cuối rừng
Từ em khép nép hài xanh
Về qua dục nở hồn anh đóa sầu
7
Ừ thì mình ngại mưa mau
Cũng đưa anh đến bên cầu nước xuôi
Sông này chảy một dòng thôi
Mây đầu sông thẫm tóc người cuối sông
8
Ngày xưa em chửa theo chồng
Mùa xuân em mặc áo hồng đào rơi
Mùa thu áo biếc da trời
Sang đông em lại đổi dời áo hoa
9
Đường về hái nụ mù sa
Đưa theo dài một nương cà tím thôi
Thôi thì em chẳng yêu tôi
Leo lên cành bưởi nhớ người rưng rưng
10
Sao em bước nhỏ ngập ngừng
Bên cầu sương rụng mấy từng mai mơ
Đêm về thắp nến làm thơ
Tiếng chân còn vọng nửa tờ thơ tôi
11
Đôi uyên ương trắng bay rồi
Tiếng nghe tha thiết bên trời chớm đông
Nửa đêm đắp mảnh chăn hồng
Lại nghe hoa lạnh ngoài đồng thiết tha
12

Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

Thơ sưu tầm




Nếu phải chờ nhau mà hóa đá
Thì ta thử đợi một lần xem
Chỉ sợ khi ta thành núi biếc
Ngàn năm không thấy dấu chân quen.